Biến chứng, gánh nặng của bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường là một nhóm bệnh lý chuyển hoá với đặc trưng tăng glucose máu mạn tính, là nguyên nhân gây ra các biến chứng tại các cơ quan trong cơ thể ở mức độ khác nhau như tổn thương phá huỷ hoặc suy yếu các mô, rối loạn chức năng các cơ quan đặc biệt như tim mạch, mắt, thận, thần kinh,...
Đái tháo đường là một trong ba bệnh (ung thư, tim mạch, đái tháo đường) phát triển nhanh nhất. Theo công bố của WHO 1985 có 30 triệu người trên thế giới bị đái tháo đường, thì năm 1994 là 98,9 triệu người. Theo ước tính của Viện nghiên cứu đái tháo đường quốc tế năm 2010 có khoảng 215,6 triệu người bị đái tháo đường. Ở Việt Nam theo điều tra dịch tễ học bệnh đái tháo đường của PGS.TS Tạ Văn Bình bệnh viện Nội tiết năm 2001 tại 4 thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh) ở tuổi 30-64 cho thấy tỷ lệ đái tháo đường là 4,0%.
Gánh nặng về y tế và xã hội do bệnh ĐTĐ gây ra cho cộng đồng là một vấn đề rất được quan tâm. Mặc dù ở nước ta chưa có các thống kê đầy đủ, song theo thống kê của Bộ Y tế Mỹ năm 2000, có trên 3,2 triệu người nhập viện liên quan tới bệnh ĐTĐ. Lý do chính khiến các bệnh nhân ĐTĐ phải nhập viện điều trị đứng hàng đầu là do các bệnh lý của hệ tim mạch (40% các nhập viện), sau đó là bệnh lý hệ hô hấp và nhiễm khuẩn (30%).
ĐTĐ cũng là một bệnh lý mạn tính hàng đầu có các biến chứng nguy hiểm cho người bị bệnh: nguyên nhân chính dẫn tới mù và suy thận giai đoạn cuối cần phải được lọc máu hay ghép thận; là nguyên nhân đứng hàng thứ hai gây cắt cụt chi do tắc mạch; trên 70% bệnh nhân người lớn bị ĐTĐ có tăng huyết áp và tỷ lệ bị bệnh tim, tai biến mạch não ở người ĐTĐ được ước tính cao gấp 4 - 6 lần so với người cùng độ tuổi song không bị bệnh, 70% tử vong ở BN ĐTĐ liên quan tới biến chứng tim mạch. Theo thống kê của WHO số BN tử vong do ĐTĐ tương đương với số BN tử vong do bệnh AIDS.
Chính vì vậy Bệnh đái tháo đường đang được cả thế giới nhìn nhận như là một đại dịch của thế kỷ 21 do phạm vi ảnh hưởng mang tính toàn cầu và mức độ ảnh hưởng sâu sắc của nó đối với sức khoẻ, kinh tế và an ninh xã hội.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét