Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Điều trị đau cột sống thắt lưng

1. Điều trị nội khoa.
1.1. Bất động.
- Là biện pháp cần thiết trong điều trị đau thắt lưng cấp và thoát vị đĩa đệm nặng. Nằm bất động tương đối trên phản cứng, ở tư thế ngửa, 2 chân hơi co ở khớp gối và khớp háng để chùng cơ và giảm áp lực nội đĩa đệm (có thể cho gối tròn đệm vào vùng khoeo). Thời gian bất động 1-2 ngày, nếu nặng có thể 5-6 ngày. Khi gần hết thời gian bất động thì bắt đầu cho vận động tăng dần: ngồi dậy, đi lại, tập một số động tác thể dục nhẹ.

- Khi nằm bất động lâu cần đề phòng loét điểm tỳ: bằng co duỗi chân, nghiêng người nhẹ nhàng, đệm lót lớp chăn mỏng.

1.2. Thuốc giảm đau chống viêm, giãn cơ. 
- Thuốc giảm đau: uống hoặc tiêm tùy mức độ, các thuốc có thể dùng là:

+ Aspirin pH8 0,5 liều 1-3g/24h chia 2-3 lần.
+ Thuốc khác như: Voltaren, Profenid, Mobic, Vioxx...

Cần chú ý chọn liều thấp nhất có tác dụng, theo dõi chặt chễ các tác dụng phụ.
Có thể dùng các thuốc xoa bóp hoặc dán ngoài như: thuốc mỡ nọc rắn, methyl salicylat, cao dán, cồn xoa bóp... Không nên dùng các thuốc có steroid.

- Thuốc giãn cơ: nếu có co cơ cạnh sống gây vẹo và đau nhiều thì dùng các thuốc giãn cơ vân như: Myonal 50mg ngày 3 lần mỗi lần 1 viên, Mydocalm 50mg ngày 3 lần mỗi lần 2 viên, Décontracyl 250mg ngày 3 lần mỗi lần 2 viên, Diazepam 5mg ngày uống một lần 1-2 viên trước khi đi ngủ.

1.3. Các phương pháp dùng thuốc tại chỗ.
- Các phương pháp phong bế:

+ Phong bế cạnh cột sống thắt lưng: tiêm Novocain vào các điểm cạnh cột sống thắt lưng (chính là thủy châm các du huyệt thuộc kinh Bàng quang).
+ Phong bế rễ thần kinh ở khu vực lỗ ghép: tiêm vào tổ chức liên kết lỏng lẻo ở khu vực lỗ ghép mỗi lần 15-20ml thuốc tê hoặc có thể thêm corticoid. Mỗi đợt điều trị tiêm 4-5 lần, cách hai ngày một lần.
+ Tiêm ngoài màng cứng vùng thắt lưng: tiêm vào tổ chức liên kết lỏng lẻo ở ngoài màng cứng với hỗn hợp Novocain 0,5%, Vitamin B12, Hydrocortison 125mg hoặc Dexamethason 30mg, mỗi lần tiêm 5-10ml, mỗi tuần tiêm hai lần, mỗi đợt tiêm 4-5 lần.
+ Phong bế hốc xương cùng: tiêm vào hốc xương cùng 20-30ml thuốc tê có thể trộn thêm corticoid, mỗi tuần 2 lần, mỗi đợt tiêm 4 lần.

- Tiêm corticoid vào đĩa đệm để điều trị hư đĩa đệm nặng.

2. Điều trị bằng các phương pháp vật lý và châm cứu. 
2.1. Nhiệt trị liệu. 
Thường dùng nhiệt nóng như đắp paraffin 450C, túi chườm nóng, chiếu hồng ngoại... vào vùng thắt lưng 20-30 phút có tác dụng giảm đau, giãn cơ. Nhiệt khối của sóng ngắn và vi sóng có tác dụng rất tốt nhất là đối với viêm thần kinh hông to (đặt dọc dây thần kinh).

2.2. Điện trị liệu. 
- Dòng điện một chiều đều: thường dùng kết hợp điện di các thuốc Novocain, Natri salicylat có tác dụng giảm đau, chống viêm.

- Các dòng điện xung thấp và trung tần:

+ Dòng Diadynamic: phối hợp CP+LP, MF+CP, MF+LP, DF+CP, hoặc DF+LP để giảm đau, giãn cơ, có thể thay đổi kiểu xung ở lần điều trị sau để tránh hiện tượng quen.
+ Dòng TENS: có tác dụng kích thích thần kinh hướng tâm qua da để giảm đau. Dòng TENS là loại xung có tần số 60-80Hz, có thể biến đổi xoay chiều, một chiều và biến đổi thời gian xung.
+ Dòng Trobert (còn gọi là dòng 2-5), đặt điện cực dọc cột sống có tác dụng giảm đau do phản xạ, tốt nhất là khi đã dùng các dòng xung kia mà không có tác dụng nhiều.
+ Dòng giao thoa với 2 cặp điện cực (IF): có tác dụng xoáy sâu mà không gây rát.

2.3. Siêu âm điều trị. 
Siêu âm chế độ liên tục hoặc xung vào 2 bên cột sống thắt lưng và dọc theo dây thần kinh hông to. Cường độ tùy từng vùng, nếu 2 bên cột sống thắt lưng ở chế độ liên tục có thể dùng 0,6-1W/cm2. Vùng mông cho siêu âm liên tục thì dùng 1-1,2W/cm2. Vùng cẳng chân siêu âm liên tục là 0,4-0,6W/cm2. ở các vùng trên nếu dùng chế độ siêu âm xung thì cường độ có thể tăng gấp đôi.

2.4. Xoa bóp, bấm huyệt. 
Xoa bóp vùng cột sống thắt lưng ở giai đoạn đau cấp cần thao tác nhẹ nhàng tránh những tác động mạnh có thể làm đau tăng. ở giai đoạn đau mạn có thể thực hiện đầy đủ các thao tác xoa bóp mạnh như xoa, vuốt, bóp, chặt, rung... Kết hợp ấn bấm các điểm đau cột sống (các huyệt thuộc mạch Đốc trên gai đốt sống), các điểm đau cạnh sống (là các du huyệt thuộc kinh Bàng quang) và các điểm đau chạy dọc đường đi của dây thần kinh hông to (các huyệt thuộc kinh Bàng quang).

2.5. Kéo giãn. 
2.5.1. Kéo xương chậu: 
Kéo xương chậu tại giường có hai cách:

- Bệnh nhân nằm sấp với chân giường nâng cao thêm 25cm.
- Bệnh nhân nằm ngửa ở tư thế Fowler biến đổi.

Trọng lượng kéo xương chậu tùy thuộc tuổi và trọng lượng cơ thể, sự co thắt cơ nhiều hay ít, có bệnh tim mạch hay không ? Trung bình trọng lượng tạ kéo là 10-15kg, thời gian kéo là 15-20 phút, mỗi ngày kéo 1-2 lần.

2.5.2. Kéo giãn cột sống: 
Kéo giãn cột sống là tác động cơ học vào vùng kéo nhằm làm mở rộng khoang gian đốt (với trọng lực 30-40kg, sau 20 phút, có thể kéo rộng 1-1,5mm), khôi phục lại cân bằng lực cơ của các hệ thống dây chằng. Ngoài ra còn có tác dụng lâm sàng giảm đau (do giãn cơ, giảm áp lực nội đĩa đệm, giải phóng chèn ép thần kinh). Tăng dần vận động của cột sống, khôi phục vị trí đĩa đệm, giảm các di chứng (mất đường cong sinh lý, lệch vẹo cột sống...).

Có các phương pháp kéo sau:
- Kéo bằng tự trọng trên bàn dốc: lực kéo được điều chỉnh bằng độ dốc của bàn so với mặt phẳng nền, độ dốc càng lớn thì lực kéo càng lớn. Nhược điểm của phương pháp này là lực kéo dàn đều từ chỗ kéo (nách) xuống mà không tập trung lực vào vùng thắt lưng.

- Kéo trên bàn kéo có hệ thống lực đối trọng là các quả cân: Bệnh nhân nằm ngửa trên bàn, cố định vùng thắt lưng, tiến hành kéo bằng các quả tạ. Phương pháp này có ưu điểm là có thể điều chỉnh trọng lực kéo dễ dàng, lực kéo tập trung vào vùng cột sống thắt lưng, đầu tư phương tiện rẻ tiền, nhưng có nhược điểm là tạo ra lực kéo liên tục gây cho cột sống và các tổ chức xung quanh tình trạng căng giãn kéo dài có thể gây đau sau kéo hoặc gây khó chịu cho bệnh nhân trong thời gian kéo.

- Kéo trên hệ thống bàn - máy kéo: Sử dụng máy kéo tự động cho phép điều chỉnh trọng lực kéo, chọn lực nền, lực cơ sở, đặt thời gian...

Với kéo cột sống thắt lưng nên chọn lực nền bằng 1/3 trọng lượng cơ thể, lực kéo bằng 1/2 trọng lượng cơ thể trong lần kéo đầu, các lần sau mỗi lần tăng thêm 1kg đến khi đạt tới 2/3 trọng lượng cơ thể thì duy trì lực này cho đến hết đợt kéo. Thời gian duy trì lực kéo khoảng 10 giây, thời gian tăng lực từ lực nền đến lực kéo (độ dốc) nhanh hay chậm cần căn cứ vào mức độ co cứng cơ của bệnh nhân. Nếu đau cấp và co cứng cơ nhiều thì độ dốc cần tăng từ từ. Thời gian kéo 1 lần từ 15-20 phút, mỗi ngày kéo một lần, mỗi đợt kéo 10-15 ngày.

- Kéo giãn cột sống dưới nước: là hệ thống kéo giãn kết hợp thủy liệu, kéo trong bể sâu 2m với nhiệt độ ấm cho giãn cơ lúc kéo. 

2.6. Tác động cột sống (manipulation).
- Phương pháp Chiropractic (Mỹ): dựa vào cơ chế sinh - cơ học của đĩa đệm cột sống để tiến hành nắn chỉnh cột sống bằng tay nhằm giải phóng chèn ép, và giảm đau.

- Quy trình nắn chỉnh cột sống của Nguyễn Văn Thông (1992).

+ Làm mềm các cơ ở lưng, mông bằng các phương pháp như xoa bóp, nhiệt nóng, điện xung... thời gian khoảng 15-20 phút:
+ Làm giải phóng đoạn cột sống bị tắc nghẽn với 4 thao tác sau:
+ Điều chỉnh đoạn cột sống trên khu vực bị tắc nghẽn.
+ Làm mạnh các cơ giữ cột sống (cơ lưng to, cơ bụng) và làm chuyển động các khớp cột sống, khớp chậu hông.

2.7. Chương trình tập Williams. 
Chương trình tập Williams được dùng để điều trị cho bệnh nhân đau lưng mạn tính, nhằm làm giãn nhóm cơ duỗi lưng và nhóm cơ gấp xương hông, đồng thời làm tăng sức mạnh của các cơ bụng và mông. Có 6 động tác trong bài tập này như sau:

1/ Bệnh nhân nằm ngửa hai đầu gối hơi cong và hai chân được cố định, bật người ngồi dạy và với tay tới ngón chân. Động tác này làm mạnh cơ bụng và giãn cơ duỗi thắt lưng.

2/ Bệnh nhân nằm ngửa, co hai chân vuông góc, hai tay duỗi xuôi thân người, đồng thời nhấc mông lên khỏi mặt giường điều trị. Tiến hành xoay khung chậu về 2 phía để làm thắt lưng thẳng hơn. Động tác này nhằm làm mạnh cơ bụng và cơ mông, làm giãn cơ gấp khớp hông.

3/ Bệnh nhân nằm ngửa hai đầu gối co, hai tay ôm lấy hai đầu gối rồi kéo mạnh lên đồng thời nâng cằm lên cho chạm đầu gối. Giữ tư thế này 15 giây rồi nằm dài ra nghỉ. Hoặc hai tay vẫn giữ tư thế ôm gối rồi bật người ngồi dậy. Động tác này nhằm làm giãn nhóm cơ duỗi lưng dưới.

4/ Bệnh nhân ngồi, duỗi thẳng hai gối, đưa tay thẳng ra tới ngón chân. Bài tập này nhằm làm giãn khối cơ duỗi lưng và cơ tứ đầu đùi.

5/ Bệnh nhân một chân phía trước gấp, một chân phía sau duỗi, hai tay chống xuống đất ở phía trước, rồi ép chậu hông xuống. Động tác này nhằm làm giãn nhóm cơ gấp hông (cơ thắt lưng chậu) mà không làm tăng độ ưỡn của cột sống.

6/ Bệnh nhân ngồi xổm và đầu cúi, hai bàn chân đặt cách nhan 30cm, tay để thẳng hướng về phía sàn nhà và ở giữa hai gối. Động tác này nhằm làm giãn nhóm co duỗi thắt lưng.

Trong mỗi lần tập, mỗi động tác trên được tiến hành 5-10 lần tuỳ sức chịu đựng.

2.8. Châm cứu.
- Đau lưng cục bộ chủ yếu chọn các huyệt thuộc kinh Bàng quang như: Thận du, Mệnh môn, Đại trường du, Thứ liêu, Dương lăng tuyền, Uỷ trung, Thừa sơn, và A thị. Có thể chọn thêm các huyệt Hoa Đà Giáp Tích (ngang mỏm gai các đốt sống đo ra 0,5 thốn). Nếu đau thần kinh hông to, chọn các huyệt chủ yếu thuộc kinh Bàng quang và kinh Đởm: Hoàn khiêu, Phong thị, Dương lăng tuyền, Đại trường du, Thừa phù, Uỷ trung, Thừa sơn, Côn lôn... Mỗi lần chọn 3-5 huyệt, khi châm mỗi huyệt đều đạt đến cảm giác đắc khí lan xuống dưới.

- Nếu dùng điện châm, nên chọn dòng xung gai nhọn hoặc chữ nhật, có tần số từ 20-150Hz, chú ý mắc các cặp điện cực sao cho dòng điện đi qua điểm đau, hoặc chạy dọc theo đường đi của dây thần kinh hông to, điều chỉnh cường độ đến dưới ngưỡng đau sau đó cứ vài phút thì tăng cường độ lên một chút. Có thể kết hợp vừa châm vừa chiếu hồng ngoại vào vùng đau.
Next
This is the most recent post.
Bài đăng Cũ hơn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét