Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

Gai xương cột sống thắt lưng, một biểu hiện của thoái hóa cột sống

Gai xương, vôi hóa cột sống là một biểu hiện của thoái hóa cột sống thắt lưng. Xin cung cấp một số kiến thức cơ bản về bệnh này như sau.

GAI XƯƠNG CỘT SỐNG THẮT LƯNG, MỘT BIỂU HIỆN CỦA THOÁI HÓA CỘT SỐNG
Gai cột sống thắt lưng và một số biểu hiện của thoái hóa cột sống


Tại sao có hiện tượng thoái hóa cột sống?

Thoái hóa cột sống thắt lưng chỉ là một biểu hiện của một trong những bệnh thoái hóa khớp. Thoái hóa khớp là một bệnh mạn tính, đặc trưng bởi tổn thương thoái hóa tiến triển của sụn khớp và đĩa đệm gây đau, biến dạng khớp, nhưng hiếm khi có biểu hiện viêm kèm theo. Bệnh này còn được đặt các tên khác như viêm xương khớp, thấp khớp thoái hóa hay hư xương khớp. Bệnh gặp nhiều ở những người cao tuổi và tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo tuổi tác. Nhưng ngày nay, do môi trường sống ngày càng ôi nhiễm, thức ăn không đảm bảo, cộng với việc lười vận động do tính chất công việc, ngồi hàng giờ bên máy vi tính là cho bệnh thoái hóa cột sống ngày càng trẻ hóa.

Nguyên nhân chính là do tế bào sụn bị lão hóa, làm giảm tổng hợp các thành phần của sụn. Các yếu tố cơ học như sang chấn, béo phì cũng gây áp lực quá tải và kéo dài lên sụn khớp và đĩa đệm liên đốt sống. Ngoài ra, các dị tật bẩm sinh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh thoái hóa khớp xuất hiện. Bình thường, sụn khớp được cấu tạo chủ yếu bởi nước, collagen và proteoglycan. Khi sụn của đĩa đệm bị thoái hóa, tế bào sụn bị mất hoặc giảm chức năng khiến cho quá trình tái tạo sụn bị rối loạn, làm lực phân bố trên thân đốt sống không đều, khiến cho xương mâm đốt sống phải tăng chịu tải, kết quả là hình thành các gai xương ở rìa ngoài thân đốt sống. Gai xương có hình thô và đậm đặc.

Điều đặc biệt là phì đại xương, dẫn đến tạo thành các gai xương có thể xuất hiện ngay từ giai đoạn sớm của bệnh, thường kèm theo các thay đổi cấu trúc khớp khác như mòn sụn, giảm chiều cao đĩa đệm liên đốt sống và dày xương dưới sụn. Các thay đổi cấu trúc này có thể nhìn thấy rất rõ trên phim chụp X-quang cột sống thắt lưng thẳng và nghiêng. Theo nghiên cứu của Framingham ở Mỹ, tỷ lệ thoái hóa khớp có triệu chứng lâm sàng là 6% ở người trên 30 tuổi. Những biểu hiện trên Xquang còn cao hơn nhiều (20-30%) ở những người trong độ tuổi từ 55-65.

Đặc điểm lâm sàng của thoái hóa cột sống thắt lưng

Có ba thể lâm sàng chính là đau lưng cấp, đau lưng mạn tính và đau thần kinh tọa. 

Đau lưng cấp 
Thường gặp ở lứa tuổi 30-40. Đau xuất hiện sau một động tác mạnh, quá mức, đột ngột, trái tư thế. Đau tăng khi hắt hơi, rặn, thay đổi tư thế, đặc biệt là khi có phồng đĩa đệm gây chèn ép dây thần kinh tọa hoặc gây ép rễ thần kinh.

Đau lưng mạn
Hay gặp ở người trên 40 tuổi. Đau âm ỉ, đau dọc xuống chân và đùi, đau tăng khi vận động, thay đổi thời tiết. Đặc biệt là đau gây hạn chế vận động (khó quay, cúi...). Chụp Xquang cột sống thường thấy dấu hiệu mọc gai xương đốt sống, xơ xương dưới sụn, có các ổ khuyết xương dưới sụn.

Đau thần kinh tọa 
Thường bệnh nhân đã có tiền sử đau thắt lưng mạn tính. Khi bệnh nhân vận động đột ngột hay bê, mang vác vật nặng thì xuất hiện dấu hiệu ép thần kinh. Để chẩn đoán, bệnh nhân cần phải chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ cột sống thắt lưng.

Điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng: Không có thuốc chữa quá trình thoái hóa khớp. Cần tiến hành điều trị khi có triệu chứng. Đầu tiên, trong các đợt cấp của bệnh cần phải sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm không steroid, phối hợp với các thuốc giảm đau đơn thuần, thuốc giãn cơ. Thuốc giảm đau chống viêm không steroid là nhóm thuốc được sử dụng nhiều nhất. Trước đây người ta thường sử dụng các thuốc chống viêm không steroid kinh điển như aspirin, diclofenac. Tuy nhiên các thuốc này có tác dụng kích ứng niêm mạc dạ dày, gây viêm loét, thủng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa. Hiện nay thực tế nghiên cứu và áp dụng lâm sàng đã chứng minh rằng điều trị bệnh này theo Đông y là hiệu quả nhất, và có thể điều trị tận gốc bệnh mà lại rất an toàn với thận và dạ dày.

Người ta còn dùng các thuốc làm chậm quá trình thoái hóa, thậm chí có thể cải thiện được cấu trúc khớp bị thoái hóa. Cũng có thể tăng cường dinh dưỡng sụn bằng cao động vật, thuốc nội tiết... Ngoài ra cần áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu như xoa bóp, sử dụng vật lý trị liệu bằng nhiệt, bằng nước...

Phòng bệnh 
Để phòng bệnh có hiệu quả, trước tiên cần phát hiện sớm các dị tật của xương, khớp, cột sống để điều trị kịp thời. Những người béo phì cần có chế độ ăn hợp lý để giảm cân. Cần tập thể dục thể thao ở mức độ sức khỏe cho phép. Trong lao động và sinh hoạt cần tránh những tư thế xấu, cũng như các động tác quá mạnh, đột ngột. Kiểm tra sức khỏe định kỳ những người lao động nặng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét